CHUYÊN ĐỀ: " XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM"
PHÒNG GD&ĐT TP KON TUM CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MN HỌA MI Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: /KH-MNHM
P.Trần Hưng Đạo, ngày 11 tháng 01 năm016
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM.
Căn cứ công văn số 20/PGD&ĐT-GDMN, ngày 08/01/2016 của phòng PGD&ĐT thành phố Kon Tum về thực hiện “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”;
Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, vào khả năng, nhu cầu học tập, kinh nghiệm sống của trẻ, đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDMN. Trường MN Họa Mi xây dựng kế hoạch “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” với những nội dung cơ bản sau:
PHẦN I: "XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM".
I. Xây dựng môi trường giáo dục nhằm khuyến khích trẻ hoạt động tích cực:
1. Là môi trường giáo dục có sự tham gia của trẻ cùng giáo viên:
- Giáo viên chỉ là người tạo cơ hội, hướng dẫn, gợi mở giúp trẻ được chiếm lĩnh kiến thức.
- Trẻ vừa là chủ thể của hoạt động: Khi trẻ được tham gia trải nghiệm, giao tiếp, chia sẻ thì hoạt động giáo dục có hiệu quả nhất.
- Trẻ vừa là đối tượng của hoạt động: Thích khám phá những điều mới lạ nên dạy cái trẻ cần, điều mà trẻ thích. Vì thế nên giáo viên cần:
+ Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm và bổ sung học liệu, đồ dùng, đồ chơi phong phú;
- Thường xuyên vệ sinh góc chơi; sắp xếp gọn gàng, thẩm mỹ, khoa học;
- Tổ chức các hoạt động trong lớp học, ngoài trời luôn đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục, có nghĩa là tạo mọi cơ hội cho trẻ được tham gia vào các hoạt động, cho trẻ sử dụng theo nhiều cách khác nhau, sáng tạo.
+ Trải nghiệm: Trẻ được học qua thực tế, qua việc làm, qua khám phá tìm tòi;
+ Giao tiếp: Chia sẻ với bạn và học từ mọi người;
+ Suy ngẫm: Suy nghĩ và vận dụng những điều đã lĩnh hội được vào việc giải quyết các tình huống;
+ Trao đổi: Diễn đạt chia sẻ suy nghĩ và mong muốn.
2. Sắp xếp thiết bị, đồ chơi, theo hướng mở, kích thích sự chú ý và hứng thú tìm tòi, khám phá của trẻ, thuận lợi và dễ dàng cho trẻ lấy. Có nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn học liệu và hoạt động, để trẻ có thể chủ động, vui chơi, tìm tòi khám phá, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, hợp tác với bạn bè, trò chuyện và chia sẻ ý kiến.
II. Đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ:
1. Tạo cơ hội cho trẻ chủ động tham gia vào các hoạt động, giao tiếp – tương tác tích cực theo phương châm “Chơi mà học, học bằng chơi” ở mọi lúc mọi nơi phù hợp với độ tuổi; Chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào việc tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”.
* Một số lưu ý khi đặt câu hỏi:
- Đặt ít câu hỏi hơn, nhưng câu hỏi phải khiến trẻ suy nghĩ, không hỏi tràn lan.
- Dành thời gian để trẻ suy nghĩ trả lời.
- Không nên vội đánh giá, hãy động viên, khuyến khích để nhận được câu trả lời tốt hơn từ trẻ.
- Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi.
- Trân trọng câu hỏi và câu trả lời của trẻ.
- Câu hỏi mở kích thích trẻ suy nghĩ: Con nghĩ thể nào? Làm sao con biết? Tại sao con lại nghĩ như vậy? Nếu.. thì sao? Nếu không… thì sao? Theo con thì điều gì/cái gì sẽ xảy ra tiếp theo?
- Câu hỏi hạn chế tư duy của trẻ là những câu hỏi không khuyến khích trẻ nỗ lực suy nghĩ học tập, ngược lại còn làm cản trở hoạt động trí tuệ. Đó là những câu hỏi có dạng:
+ Những câu hỏi quá phức tạp, quá lớn, trừu tượng khiến trẻ không thể trả lời được ví dụ: “Gió là gì?” “ Tại sao có gió?” “Mưa là gì?” “Ngày hôm qua là gì?”
Những câu hỏi đóng và hẹp: “Đây là cái gì?”, “Kia là cái gì?”, “Cái này màu gì”, “Hai bức tranh này có giống nhau không?
- Giáo viên cần biết tạo ra một sự cân bằng giữa những câu hỏi phải trả lời ngắn với những câu hỏi mở.
- Phải chú ý đến mục đích của câu hỏi: Hỏi để làm gì? Để hướng dẫn, gợi mở hay để kiểm tra, đánh giá mức độ hiểu, hỏi cái gì?
- Câu hỏi phải phù hợp với trình độ, khả năng để trẻ có thể trả lời được và cố gắng để trả lời.
- Giáo viên cần biết tạo ra một sự cân bằng giữa những câu hỏi phải trả lời ngắn với những câu hỏi mở.
- Câu hỏi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Phân bổ câu hỏi cho tất cả các đối tượng trẻ, trẻ nhút nhát đến trẻ tích cực.
- Nên dành thời gian suy nghĩ cho mỗi câu hỏi và sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ (ánh mắt, cười, gật đầu, vỗ tay…) để khuyến khích, khen ngợi trẻ.
- Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi để học.
2. Tổ chức hoạt động giáo dục cần đảm bảo: Hứng thú, nhu cầu, khả năng, thế mạnh của mỗi đứa trẻ đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng; Mỗi đứa trẻ đều có cơ hội tốt nhất có thể để thành công; học bằng nhiều cách khác nhau kể cả thông qua vui chơi.
3. Đổi mới phương pháp trong tổ chức các hoạt động giáo dục:
3.1. Hoạt động ngoài trời:
- Tùy theo nội dung hoạt động, không nhất thiết phải theo chủ đề, giáo viên có thể lựa chọn nội dung, hình thức phong phú, phù hợp thời điểm, thay đổi nội dung ở các buổi trong tuần, giúp trẻ hứng thú tham gia; trò chơi vận động, trò chơi dân gian, hoạt động tham quan, quan sát môi trường, thiên nhiên, chăm sóc cây xanh, vườn rau... tạo cơ hội cho trẻ được tự do khám phá một cách tự nhiên hứng thú và sáng tạo, giúp trẻ phát triển toàn diện: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.
- Khi chọn nội dung chơi giáo viên phải căn cứ vào Chương trình giáo dục mầm non, để đạt được mục tiêu và phù hợp độ tuổi tránh tình trạng quá sức hoặc không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.
- Bố trí các nhóm chơi thuận tiện cho việc quan sát, bao quát của giáo viên trong quá trình trẻ chơi; tránh tình trạng lựa chọn quá nhiều nội dung, chia nhiều nhóm nhỏ hoặc khoảng cách giữa các nhóm quá xa giáo viên không hỗ trợ kịp thời cho trẻ.
3.2 Hoạt động học: Những lưu ý khi giáo viên tổ chức hoạt động.
- Làm quen văn học: Không nên cho trẻ kể truyện đồng thanh, làm giảm cảm xúc và sự cảm thụ tác phẩm văn học, nên tập cho trẻ nói lời thoại của các nhân vật sao cho phù hợp với giọng điệu của từng nhân vật, để khi thuộc truyện, trẻ kể diễn cảm hơn, cần chú ý đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là những trẻ nhút nhát, chậm phát triển về ngôn ngữ.
- Hoạt động âm nhạc: Lựa chọn nội dung các hoạt động (hát, vận động, nghe hát hoặc trò chơi âm nhạc) phải phù hợp với độ tuổi và khả năng của trẻ. Nếu giáo viên không thuộc bài hát thì sử dụng băng đĩa cho trẻ nghe, giúp trẻ cảm thụ bài hát trọng vẹn hơn. Khi lựa chọn đồ dùng âm nhạc phục vụ cho phần vận động phải có tác dụng thiết thực tránh ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng vận động trong quá trình kết hợp giữa hát và vận động.
- Hoạt động khám phá: lựa chọn nội dung khám phá gần gũi, dựa trên cơ sở vốn hiểu biết và kinh nghiệm của trẻ, giúp trẻ hứng thú tìm tòi, khám phá; tránh lựa chọn nội dung quá khó, không sát với thực tế của trẻ. Hệ thống câu hỏi cần giúp trẻ suy nghĩ, giải quyết vấn đề, thu hút trẻ vào đối tượng cần khám phá nhằm phát triển tư duy cho trẻ. Tổ chức khám phá dưới nhiều hình thức và được xen kẽ giữa các hoạt động để trẻ không nhàm chán.
- Làm quen chữ cái: Luyện phát âm, nhận biết là nội dung cần tập trung cho trẻ thực hiện trong hoạt động, tổ chức dưới nhiều hình thức, phát huy hết các giác quan (nghe, nhìn, sờ,...), sử dụng các bộ phận trên cơ thể (tay, chân...) qua các trò chơi để giúp trẻ nhận biết chữ cái. Tuy nhiên, bài tập cần nâng cao dần yêu cầu trong hoạt động tránh tình trạng tổ chức dưới nhiều hình thức nhưng chi một nội dung, đơn điệu (Ví dụ: tất cả các bài luyện tập chỉ lấy theo yêu cầu của cô).
3.3. Hoạt động góc:
- Khi lựa chọn và định hướng các góc chơi, nội dung chơi, nguồn nguyên vật liệu, cần chú ý: Ở mỗi góc chơi sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng gì đáp ứng cho mục tiêu cần đạt trong tuần/ tháng, có thể sẽ có những nội dung không theo chủ đề nhưng phát triển các kỹ năng cần thiết theo yêu cầu Chương trình phù hợp với khả năng, hứng thú và nhu cầu của trẻ.
- Giáo viên quan sát các góc để hỗ trợ kịp thời về nội dung chơi, nguyên vật liệu, đặt câu hỏi gợi ý, tham gia chơi cùng trẻ,... Việc liên kết các góc chơi phải đảm bảo tính phù hợp, không gượng ép, góc nào có thể liên kết được thì mới liên kết (ví du: Góc xây dựng đã có gạch sẵn hay góc học tập đã có sẵn bút, giấy thì không cần phải đến góc bán hàng để mua).
- Hình thức đóng chủ đề có thể thay đổi, tùy thuộc ý tưởng của từng giáo viên, nội dung của từng chủ đề, không bắt buộc phải tham quan tất cả các góc và giới thiệu tất cả các sản phẩm, chiếm nhiều thời gian, lặp đi lặp lại nhiều lần (trong quá trình trẻ chơi các góc trong tuần, sự liên kết giữa các góc và cuối giờ giáo viên đã đi đến từng góc hỏi kết quả, được nghe trẻ giới thiệu sản phẩm và trao đổi về buổi chơi tiếp theo). Có thể thay đổi hình thức đóng chủ đề, ví dụ: Mỗi nhóm lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu của mình, lên sân khấu để giới thiệu cho các nhóm khác xem.
* Giáo viên cần lưu ý:
- Ngày thứ hai: Trò chuyện về chủ đề mà trẻ sẽ khám phá trong tuần này.
+ Hỏi trẻ về các góc chơi trong lớp.
+ Trẻ chọn góc chơi, bầu nhóm trưởng, nội dung chơi, nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi.
+ Giáo viên đến từng nhóm chơi để ghi lại tên các thành viên của nhóm và dán vào góc chơi (Có thể ghi tên trẻ hoặc dùng ký hiệu ở các góc chơi).
+ Trẻ về góc chơi, phân nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm, sắp xếp lại đồ dùng, đồ chơi để chuẩn bị cho buổi chơi ngày mai (nếu góc chơi nào có đủ đồ dùng, đồ chơi rồi thì có thể bắt đầu chơi).
+ Giáo viên đưa trẻ đến góc thư viện giới thiệu và đọc cho trẻ nghe truyện mới phù hợp với chủ đề, đàm thoại về nội dung câu chuyện vừa đọc.
- Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm:
+ Giáo viên yêu cầu trẻ nhắc lại nội dung chơi, ý tưởng của nhóm và nguyên vật liệu.
+ Tổ chức cho trẻ chơi.
+ Giáo viên đến từng góc để nhận xét, gợi ý để trẻ nêu ý tưởng cho buổi chơi ngày mai và cần thêm những đồ dùng, đồ chơi nào.
Lưu ý: Thứ tư, thứ năm nội dung chơi ở mức cao hơn, kỹ năng chơi thành thạo hơn, sản phẩm phong phú hơn.
- Ngày thứ sáu: đóng chủ đề.
+ Có thể phát sinh thêm góc chơi để cần thiết cho việc đóng chủ đề thì ngày đó trò chuyện gợi ý cho trẻ chơi ở góc đó.
+ Hỏi lại trẻ chủ đề chơi.
+ Trẻ tiếp tục chơi để hoàn thành sản phẩm.
+ Trẻ trưng bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm của nhóm cho cả lớp nghe.
+ Tùy vào chủ đề chơi, giáo viên có thể lồng ghép hát, múa các bài trong chủ đề sao cho phù hợp là được.
+ Giới thiệu chủ đề của tuần kế tiếp.
- Đối với góc thiên nhiên, nơi nào có điều kiện thì nên cho trẻ chơi noài trời, ngoài sân trường và hạn chế chơi trong lớp. Chơi trong lớp môi trường hẹp, cây xanh và các đồ chơi ít trẻ sẽ dễ nhám chán.
- Đối với lớp ghép khi sử dụng các loại vở: Bé làm quen với Toán, giúp bé nhận biết và làm quen với chữ cái, Hoạt động tạo hình giáo viên thực hiện một số nội dung: Căn cứ vào chương trình giáo dục mầm non, kết quả mong đợi của từng độ tuổi đưa ra bài tập phù hợp từng độ tuổi nhằm rèn kỹ năng và củng cố kiến thức đã học, những bài tập còn lại nếu chưa thực hiện trong hoạt động học thì đưa vào hoạt động góc hoặc hoạt động chiều. Tránh tình trạng cả 3 độ tuổi đều phải thực hiện đạt yêu cầu bài tập giống nhau.
III. Tuyên truyền và phối hợp với các bậc cha mẹ và cộng đồng để phối hợp thực hiện:
1. Nội dung tuyên truyền:
- Sự phát triển toàn diện của trẻ ở lứa tuổi mầm non.
- Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
- Sự hỗ trợ của các bậc cha mẹ về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
2. Hình thức tuyên truyền:
- Trao đổi trực tiếp với cha mẹ trong giờ đón và trả trẻ.
- Họp cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cha mẹ.
- Bảng tuyên truyền về một số nội dung của chuyên đề và các kiến thức liên quan, đặt tại nhóm, lớp, trường mầm non.
- Qua các ngày lễ hội trong năm của trường.
PHẦN II: “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG CHO TRẺ TRONG TRƯỜNG MẦM NON” NĂM 2016
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút sự quan tâm phối hợp của các bậc cha mẹ và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục phát triển vận động cho trẻ.
2. Khai thác sử dụng môi trường, thiết bị đồ dùng đồ chơi
- Sắp xếp đồ chơi trong các góc chơi ở lớp đảm bảo an toàn, tận dụng mọi điều kiện phù hợp để tạo cơ hội cho trẻ được vận động mọi lúc, mọi nơi.
- Các khu vực hoạt động cho trẻ dễ lựa chọn sử dụng đồ chơi, tham gia chơi, thuận lợi cho sự quan sát của giáo viên.
- Đối với những trường có phòng giáo dục thể chất: Thiết bị trong phòng thể chất sắp xếp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi hoặc luyện tập.
- Đối với những nơi không có phòng giáo dục thể chất thì có thể tăng cường tận dụng, khai thác sử dụng khu vui chơi ngoài trời, sảnh, sân, hành lang và các thiết bị, đồ chơi cho trẻ vận động an toàn, phù hợp.
3. Phương pháp thực hiện việc khai thác sử dụng môi trường, thiết bị đồ dùng đồ chơi
- Chế độ vận động hợp lý, phù hợp với kinh nghiệm vận động của trẻ, sở thích, mong muốn và khả năng của cơ thể, đảm bảo sự thỏa mãn nhu cầu, giúp trẻ phát triển toàn diện nên giáo viên tổ chức hoạt động cho trẻ phải đa dạng các bài tập và nội dung vận động.
- Lựa chọn các bài tập sao cho trẻ nỗ lực về thể chất, tiêu hao năng lượng đạt mục tiêu phát triển kỹ năng vận động, phát triển trí tuệ, tình cảm, ý chí, hình thành thói quen rèn luyện thân thể.
- Tạo cơ hội cho trẻ tham gia chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ luyện tập, giúp trẻ hình thành thói quen cẩn thận, chu đáo trong hoạt động; khai thác tính năng của thiết bị đồ chơi giúp trẻ hứng thú khi luyện tập, phát triển vận động.
4. Về thời gian, nội dung thực hiện của hoạt động phát triển vận động
- Có 03 loại giờ hoạt động phát triển vận động:
+ 01 vận động mới và 01 trò chơi,
+ 01 vận động mới và 01 vận động cũ,
+ 03 vận động cũ
Thời gian của mỗi loại vận động đều phải đảm bảo theo qui định của từng độ tuổi: Lớp 3-4 tuổi là 20 phút, lớp 4-5 tuổi là 25 phút, lớp 5-6 tuổi là 30 phút; đối với lớp ghép 3 độ tuổi thời gian thực hiện là 25 phút, lớp ghép 2 độ tuổi 4 và 5 tuổi là 30 phút, lớp ghép 3 và 4 tuổi là 20 phút.
- Chọn nội dung trò chơi vận động hoặc nội dung vận động cũ kết hợp với vận động mới phải đảm bảo tính chất động, tĩnh nhằm thay đổi trạng thái vận động của trẻ. Nếu vận động cơ bản mới là tĩnh như đi, bò, trườn,.. thì trò chơi vận động hoặc vận động cũ phải là động như chạy, nhảy, bật... và ngược lại. Đối với loại giờ hoạt động ôn 3 vận động cũng chọn có sự kết hợp hài hòa giữa động và tĩnh, vận động nào có cường độ mạnh hơn xếp sau; các bài tập vận động cơ bản được lựa chọn theo hướng nâng cao dần yêu cầu từ chậm đến nhanh hơn, từ nhẹ đến mạnh hơn.
- Số tiết hoạt động phát triển vận động là 35 tiết/năm học. Nếu kế hoạch năm của cơ sở xây dựng chưa đủ 35 tiết, thì số tiết còn lại thực hiện loại tiết ôn, có thể mượn thời gian của hoạt động ngoài trời để thực hiện hoặc thời gian của tiết ôn Tập nói tiếng Việt (theo cấu trúc của một hoạt động học phát triển vận động).
Nơi nhận: Hiệu trưởng
- Phòng GD&ĐT
- Bộ phận CM
- Giáo viên
- Lưu: VP/MNHM.
Nguyễn Thị Phượng
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.